Quyền miễn trừ của quốc gia trong tư pháp quốc tế Việt Nam

Bình luận về bài viết này

Tư pháp quốc tế là một lĩnh vực pháp luật có hệ thống chủ thể riêng của mình bao gồm thể nhân, pháp nhân và quốc gia. Trong đó, quốc gia được xác định là chủ thể đặc biệt của Tư pháp quốc tế. Vấn đề là khi quốc gia tham gia vào các mối quan hệ này, quyền và nghĩa vụ chủ thể của quốc gia hay nói cách khác, quy chế pháp lý của quốc gia được xác định như thế nào. Đối với Việt Nam, khi mà Tư pháp quốc tế chưa phát triển cả về lý luận lẫn thực tiễn, thì việc tiếp tục nghiên cứu và phát triển cả về lý luận lẫn quy định của pháp luật về quyền miễn trừ của quốc gia khi tham gia vào quan hệ dân sự quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng trong việc góp phần đưa Tư pháp quốc tế Việt Nam tiến gần hơn các chuẩn mực pháp lý chung của thế giới.

 1. Nội dung quyền miễn trừ của quốc gia trong Tư pháp quốc tế

Nhìn chung, Tư pháp quốc tế (TPQT) phần lớn các quốc gia đều thừa nhận tư cách chủ thể đặc biệt của quốc gia khi tham gia vào mối quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Khi tham gia vào quan hệ TPQT, quốc gia được hưởng các quyền miễn trừ trong đó quan trọng nhất là quyền miễn trừ tư pháp và miễn trừ đối với tài sản của quốc gia, gọi chung là quyền miễn trừ của quốc gia. Quyền miễn trừ của quốc gia trong lĩnh vực quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được ghi nhận rải rác trong các điều ước quốc tế, điển hình nhất là Công ước Brussels về thống nhất các quy định về miễn trừ tàu thuyền nhà nước ngày 14/4/1926, Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao, Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự,… Đặc biệt, các nội dung này được quy định một cách cụ thể và tập trung tại Công ước của Liên hiệp quốc (LHQ) về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia. Các quyền này cũng được ghi nhận trong pháp luật của nhiều quốc gia.

Quyền miễn trừ của quốc gia trong TPQT gồm quyền miễn trừ tư pháp và quyền miễn trừ đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của quốc gia.

Quyền miễn trừ tư pháp

Miễn trừ xét xử tại bất cứ Tòa án nào. Nội dung quyền này thể hiện nếu không có sự đồng ý của quốc gia thì không có một tòa án nước ngoài nào có thẩm quyền thụ lý và giải quyết vụ kiện mà quốc gia là bị đơn (trong lĩnh vực dân sự). Các tranh chấp liên quan đến quốc gia phải được giải quyết bằng con đường thương lượng trực tiếp hoặc con đường ngoại giao, trừ khi quốc gia từ bỏ quyền này. Điều 5 và Điều 6 Công ước của LHQ về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia quy định: Quốc gia được hưởng quyền miễn trừ tài phán trước một tòa án nước ngoài theo những quy định của Công ước. Các quốc gia có nghĩa vụ đảm bảo quyền miễn trừ tài phán và quyền miễn trừ tài sản của quốc gia khác, cụ thể là không thực thi quyền tài phán chống lại quốc gia khác trong một vụ kiện tại tòa án nước mình.

Miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo đơn kiện, nếu quốc gia đồng ý cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kiện mình, tức là đồng ý cho Tòa án nước ngoài xét xử vụ kiện mà quốc gia là bị đơn. Nội dung của quyền này thể hiện trong trường hợp nếu một quốc gia đồng ý để tòa án nước ngoài thụ lý, giải quyết một vụ tranh chấp mà quốc gia là một bên tham gia thì tòa án nước ngoài đó được quyền xét xử nhưng tòa án không được áp dụng bất cứ một biện pháp cưỡng chế nào như bắt giữ, tịch thu tài sản của quốc gia để phục vụ cho việc xét xử. Tòa án chỉ được áp dụng các biện pháp này nếu được quốc gia cho phép. Điều 18 Công ước của LHQ về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia quy định: “Không có biện pháp cưỡng chế tiền tố tụng nào như tịch thu, chiếm giữ tài sản trái pháp luật của quốc gia được áp dụng trong một vụ kiện trước một tòa án nước ngoài…”.

Miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo thi hành quyết định của Tòa án trong trường hợp quốc gia không đồng ý cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài kiện, đồng ý cho Tòa án xét xử. Trong trường hợp quốc gia đồng ý cho một tòa án nước ngoài giải quyết một tranh chấp mà quốc gia là một bên tham gia và nếu quốc gia là bên thua kiện thì bản án của tòa án nước ngoài đó cũng phải được quốc gia tự nguyện thi hành. Nếu không có sự đồng ý của quốc gia thì không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế như bắt giữ, tịch thu tài sản của quốc gia nhằm cưỡng chế thi hành bản án đó. Ngay cả khi quốc gia từ bỏ quyền miễn trừ xét xử thì quyền miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế bảo đảm thi hành phán quyết của tòa án vẫn phải được tôn trọng. Điều 19 Công ước của LHQ về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia quy định: “Không có biện pháp cưỡng chế nào sau khi có phán quyết của tòa án như tịch thu, bắt giữ tài sản trái pháp luật của quốc gia được áp dụng trong một vụ kiện trước một tòa án nước ngoài…”

Quyền miễn trừ đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của quốc gia

Quyền miễn trừ đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của quốc gia là một trong những nội dung quan trọng của quyền miễn trừ của quốc gia khi tham gia vào quan hệ dân sự quốc tế. Nội dung của quyền này là những tài sản được xác định thuộc quyền sở hữu của quốc gia thì không thể là đối tượng áp dụng các biện pháp tư pháp khi quốc gia đưa vào tham gia các quan hệ dân sự quốc tế. Quyền miễn trừ về tài sản của quốc gia khi tham gia vào các quan hệ dân sự quốc tế có cơ sở pháp lý vững chắc trong các điều ước quốc tế có liên quan của TPQT cũng như văn bản pháp luật thực định của nhiều quốc gia. Điều 21 Công ước của LHQ về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia liệt kê những loại tài sản mà quốc gia được hưởng quyền miễn trừ.

Quyền miễn trừ tài sản của quốc gia cũng được pháp luật của rất nhiều nước quy định. Luật miễn trừ nhà nước của Hoa Kỳ tại Điều 1609 cũng khẳng định quyền miễn trừ đối với tài sản của quốc gia nước ngoài. Pháp luật của Cộng hòa Liên bang Nga, của Vương quốc Anh cũng khẳng định quyền này.

Quyền miễn trừ về tài sản là một nội dung không thể tách rời của quyền miễn trừ của quốc gia và ngày càng thể hiện vai trò quan trọng của mình trong việc bảo vệ hữu hiệu lợi ích của quốc gia khi tham gia vào các quan hệ dân sự quốc tế. Tuy nhiên, lý luận về TPQT của Việt Nam trước đây không đề cập hoặc đề cập rất chung về nội dung này. Các giáo trình TPQT dùng giảng dạy trong các trường đại học, các công trình nghiên cứu cũng đề cập đến nội dung này một cách chung chung hoặc gần như không nói đến. Đây là một hạn chế về mặt lý luận của TPQT Việt Nam cần phải nhanh chóng khắc phục để đưa TPQT Việt Nam phát triển theo xu thế của thời đại.

Các nội dung của quyền miễn trừ của quốc gia tồn tại trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau và đều được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia. Tuy nhiên, giữa các quyền vẫn có sự độc lập tương đối và quốc gia có quyền từ bỏ một nội dung, hai nội dung hay tất cả các nội dung trong quyền miễn trừ. Việc quốc gia từ bỏ một nội dung không làm ảnh hưởng đến các nội dung còn lại trong quyền miễn trừ. Việc từ bỏ quyền miễn trừ của quốc gia cần phải được thể hiện rõ ràng trong pháp luật quốc gia, trong điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên hoặc trong các văn bản cụ thể mà quốc gia ký kết.

2. Các quan điểm khác nhau về quyền miễn trừ của quốc gia

Quyền miễn trừ của quốc gia khi tham gia vào quan hệ dân sự quốc tế đã được thừa nhận trong pháp luật quốc tế (các điều ước quốc tế, tập quán quốc tế) và pháp luật hầu hết các nước. Tuy nhiên, pháp luật của các nước lại có những quan điểm khác nhau về mức độ hưởng quyền này của quốc gia. Về cơ bản có hai quan điểm chính về vấn đề này:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, quyền miễn trừ của quốc gia là tuyệt đối, nghĩa là quốc gia phải được hưởng quyền này trong tất cả các lĩnh vực quan hệ dân sự mà quốc gia tham gia và trong bất kỳ trường hợp nào. Những người theo quan điểm này xuất phát từ chủ quyền quốc gia là tuyệt đối và bất khả xâm phạm, bất kỳ chủ thể nào cũng không có quyền vượt lên trên chủ quyền quốc gia. Thậm chí, quyền miễn trừ này còn được mở rộng cho người đứng đầu của quốc gia khi tham gia vào các mối quan hệ với tư cách người đứng đầu quốc gia hay tư cách cá nhân. Cần nhận thức rõ vấn đề ở đây, khi thừa nhận quyền miễn trừ của quốc gia khi tham gia vào các quan hệ dân sự quốc tế là tuyệt đối thì điều này có nghĩa là quốc gia sẽ được hưởng quyền miễn trừ trong tất cả các lĩnh vực quan hệ dân sự quốc tế và trong tất cả các trường hợp mà quốc gia tham gia với tư cách là một bên chủ thể trong quan hệ dân sự quốc tế.

Thuyết quyền miễn trừ tuyệt đối của quốc gia trong quan hệ quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi từ lâu như một tập quán quốc tế. Cho đến giữa thế kỷ XX, phần lớn các nước vẫn còn công nhận quyền miễn trừ tuyệt đối dành cho quốc gia nước ngoài. Tuy nhiên, từ sau Cách mạng tháng 10 Nga, đặc biệt là từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, với sự xuất hiện của hàng loạt các quốc gia theo chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa (XHCN), một mô hình kinh tế mới ra đời mà ở đó, nhà nước trực tiếp tham gia vào các quan hệ kinh tế với tư cách là một bên chủ thể, các công ty nhà nước nắm độc quyền kinh doanh trong nền kinh tế, thì một vấn đề đặt ra là liệu các công ty nhà nước này có được hưởng quyền miễn trừ của quốc gia sở hữu nó hay không khi tham gia vào các quan hệ kinh tế thương mại với các chủ thể nước ngoài. Chính thực tiễn này đã dẫn đến sự xuất hiện của Thuyết quyền miễn trừ tương đối hay còn gọi là “Quyền miễn trừ chức năng”.

Thuyết quyền miễn trừ tương đối do các học giả của các nước theo chế độ chính trị tư bản chủ nghĩa khởi xướng và xây dựng nhằm loại trừ khả năng hưởng quyền miễn trừ của các công ty thuộc sở hữu nhà nước của các nước theo chế độ chính trị XHCN khi tham gia vào các quan hệ kinh tế thương mại quốc tế. Học thuyết này nhanh chóng được các nước khác ủng hộ và cụ thể hóa vào các đạo luật quốc gia. Theo học thuyết này, quốc gia khi tham gia vào các quan hệ dân sự quốc tế sẽ được hưởng quyền miễn trừ về tài phán và quyền miễn trừ về tài sản trong tất cả các lĩnh vực quan hệ dân sự. Tuy nhiên, có những trường hợp quốc gia sẽ không được hưởng quyền này mà phải tham gia với tư cách một chủ thể dân sự như các chủ thể thông thường khác. Như vậy, Thuyết quyền miễn trừ tương đối chấp nhận cho quốc gia được hưởng quyền miễn trừ trong tất cả các lĩnh vực quan hệ dân sự mà quốc gia tham gia, nhưng lại hạn chế những trường hợp mà quốc gia sẽ không được hưởng quyền miễn trừ. Công ước của LHQ về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia cũng dành nhiều điều quy định về các trường hợp quốc gia không được hưởng quyền miễn trừ trong các lĩnh vực giao dịch thương mại, hợp đồng lao động, thiệt hại về người và tài sản,…

Tại Hoa Kỳ, từ năm 1952 đã bắt đầu thay đổi quan điểm quyền miễn trừ quốc gia từ thuyết quyền miễn trừ tuyệt đối sang thuyết quyền miễn trừ tương đối. Năm 1976, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Luật Miễn trừ nhà nước dành cho quốc gia nước ngoài. Đạo luật này chính là sự hiện thực hóa Thuyết quyền miễn trừ tương đối mà Hoa Kỳ đang theo đuổi. Trong đạo luật đã có những quy định cụ thể về quyền miễn trừ của quốc gia: chủ thể được hưởng quyền miễn trừ, nội dung quyền miễn trừ, các trường hợp quốc gia nước ngoài không được hưởng quyền miễn trừ,…

Tại Anh, Luật về Quyền miễn trừ của quốc gia năm 1978 cũng ghi nhận quan điểm này. Quan điểm này còn được ghi nhận trong thực tiễn xét xử ở tòa án Áo, Pháp, Thụy Điển, Ý, Hy Lạp, Bỉ.

Như vậy, về cơ bản, phần lớn các quốc gia đều thừa nhận quyền miễn trừ của quốc gia khi tham gia vào các quan hệ dân sự quốc tế. Tuy nhiên, mức độ chấp nhận phạm vi của quyền miễn trừ của quốc gia ở các quốc gia là khác nhau. Thực tiễn trên cho thấy, Thuyết quyền miễn trừ tương đối của quốc gia đang có phạm vi ảnh hưởng ngày càng rộng và ngày càng có nhiều quốc gia chấp nhận. Đây cũng là một xu thế phát triển của TPQT hiện đại.

3. Quyền miễn trừ của quốc gia trong Tư pháp quốc tế Việt Nam

Qua phân tích vấn đề cho thấy xu thế phát triển của TPQT là chấp nhận quyền miễn trừ của quốc gia với nội dung gồm quyền miễn trừ tư pháp và quyền miễn trừ đối với tài sản thuộc sở hữu của quốc gia ở nước ngoài và chấp nhận thuyết quyền miễn trừ tương đối của quốc gia. TPQT Việt Nam chưa phát triển cả về lý luận lẫn pháp luật thực định. Chính vì vậy, việc nghiên cứu một cách nghiêm túc các vấn đề có liên quan đến quyền miễn trừ của quốc gia khi tham gia vào quan hệ dân sự quốc tế là một việc hoàn toàn cần thiết bởi đây là một trong những nội dung chủ yếu của quy chế pháp lý về chủ thể của TPQT. Chúng tôi chỉ đề cập đến quyền miễn trừ của nhà nước nước ngoài tại Việt Nam mà không đề cập đến quyền miễn trừ của nhà nước Việt Nam ở nước ngoài.

Trước hết, cần làm rõ nội dung của quyền miễn trừ của quốc gia cả trong lý luận lẫn quy định của các quy phạm pháp luật TPQT Việt Nam. Đây là điều cần thiết bởi vì cả về mặt lý luận lẫn pháp luật thực định, cho đến hiện nay, nội dung quyền miễn trừ của quốc gia vẫn chưa được thống nhất. Tại Việt Nam hiện nay, về mặt lý luận, có nhiều quan điểm khác nhau đã được đưa ra về nội dung quyền miễn trừ quốc gia.

Quan điểm thứ nhất xác định quyền miễn trừ của quốc gia bao gồm quyền miễn trừ xét xử, quyền miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo đơn kiện, quyền miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế bảo đảm thi hành phán quyết của tòa án nước ngoài. Như vậy, quyền miễn trừ đối với tài sản quốc gia ở nước ngoài không được đưa vào xem xét trong nội dung quyền miễn trừ của quốc gia. Theo chúng tôi, quan điểm này khó chấp nhận được, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi quốc gia tham gia ngày càng nhiều vào các mối quan hệ dân sự, kinh tế quốc tế, bởi trong những trường hợp nhất định, lợi ích hợp pháp liên quan đến tài sản của quốc gia ở nước ngoài sẽ không được bảo vệ hữu hiệu.

Quan điểm thứ hai khẳng định quyền miễn trừ tài sản thuộc sở hữu quốc gia là một trong những nội dung cơ bản của quyền miễn trừ quốc gia. Quan điểm này được nhiều người tán đồng. Theo chúng tôi, không thể tách rời quyền miễn trừ về tài sản ra khỏi quyền miễn trừ của quốc gia bởi vì quốc gia tham gia vào đời sống dân sự quốc tế chủ yếu là các quan hệ liên quan đến tài sản (ví dụ: các tài sản đầu tư ở nước ngoài, tài khoản tại ngân hàng nước ngoài…). Những mối quan hệ quốc gia tham gia mà không liên quan đến yếu tố tài sản chủ yếu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật quốc tế công. Thực tiễn cũng cho thấy, ngày nay quốc gia đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động kinh tế thương mại của quốc gia thông qua hàng loạt các hoạt động như xúc tiến thương mại, đầu tư, làm trung gian cho các pháp nhân của các quốc gia ký kết hợp đồng, bảo lãnh,… Tất cả những hoạt động này đều kéo theo các vấn đề pháp lý liên quan đến tài sản của quốc gia ở nước ngoài, nên việc xác định rõ quyền miễn trừ đối với tài sản của quốc gia ở nước ngoài cũng như mức độ thực hiện quyền này là hoàn toàn cần thiết để tránh những tranh chấp có thể phát sinh.

Pháp luật thực định của Việt Nam cũng chưa có quy định chính thức nào về nội dung của quyền miễn trừ quốc gia. Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam ngày 07/9/1993 có một số quy định về quyền miễn trừ tư pháp. Theo khoản 1 Điều 12 Pháp lệnh, “viên chức ngoại giao được hưởng quyền miễn trừ xét xử về hình sự tại Việt Nam. Họ cũng được hưởng quyền miễn trừ xét xử về dân sự và xử phạt hành chính”. Và khoản 3 Điều 12 Pháp lệnh quy định: “viên chức ngoại giao được hưởng quyền miễn trừ đối với các biện pháp thi hành án”. Vậy, quyền miễn trừ về tài sản thuộc sở hữu quốc gia chưa thấy đề cập. Hơn nữa, đây chỉ là những quy định về quyền miễn trừ dành cho viên chức ngoại giao và thành viên gia đình của họ (khoản 1 Điều 17 Pháp lệnh). Không có quy phạm nào của Pháp lệnh cho thấy nhà nước nước ngoài có quyền miễn trừ tư pháp và quyền miễn trừ tài sản ở Việt Nam. Tương tự, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (đã hết hiệu lực thi hành) quy định: “vụ án dân sự có liên quan đến nhà nước nước ngoài hoặc người được hưởng quy chế ngoại giao được giải quyết bằng con đường ngoại giao, trừ trường hợp nhà nước nước ngoài hoặc người được hưởng quy chế ngoại giao đồng ý tham gia tố tụng tại tòa án Việt Nam”. Đây là văn bản pháp luật duy nhất có quy định về quyền miễn trừ của nhà nước nước ngoài trong tố tụng dân sự quốc tế nhưng cũng không đề cập đến nội dung của quyền miễn trừ. Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2005 Bộ luật Tố tụng dân sự có hiệu lực pháp luật và không có quy phạm nào thừa nhận quyền miễn trừ tư pháp của nhà nước nước ngoài ở Việt Nam. Khoản 4 Điều 2 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc các quyền ưu đãi, miễn trừ lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia thì vụ việc dân sự có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức đó được giải quyết bằng con đường ngoại giao”.

Để giải quyết vấn đề này, TPQT Việt Nam cần xác định rõ nội dung quyền miễn trừ của quốc gia theo hướng quốc gia được hưởng quyền miễn trừ tư pháp và quyền miễn trừ đối với tài sản thuộc sở hữu quốc gia ở nước ngoài. Nội dung này cần được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật thực định có hiệu lực pháp lý cao, cụ thể là Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng: nhà nước nước ngoài, cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc các quyền ưu đãi, miễn trừ lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia khi tham gia quan hệ dân sự tại Việt Nam thì được hưởng quyền miễn trừ tư pháp và quyền miễn trừ đối với tài sản thuộc sở hữu của mình, trừ những trường hợp cụ thể pháp luật Việt Nam có quy định riêng.

Nội dung quyền miễn trừ của quốc gia đã được quy định thống nhất trong các văn bản của LHQ, các điều ước quốc tế có liên quan và được cụ thể hóa vào văn bản pháp luật của nhiều nước. Chính vì vậy, việc quy định một cách rõ ràng, cụ thể nội dung quyền miễn trừ của quốc gia trong pháp luật Việt Nam cũng góp phần đưa TPQT Việt Nam tiến gần hơn với các chuẩn mực của đời sống pháp lý quốc tế trong vấn đề này.

Vấn đề thứ hai cần giải quyết là phạm vi của quyền miễn trừ của quốc gia trong TPQT Việt Nam hay nói cách khác, Việt Nam chấp nhận Thuyết quyền miễn trừ tương đối hay vẫn tiếp tục theo đuổi Thuyết quyền miễn trừ tuyệt đối của quốc gia.

Phần lớn các quan điểm hiện nay đều tán đồng Thuyết quyền miễn trừ tuyệt đối của quốc gia, phản đối Thuyết quyền miễn trừ tương đối. Theo Giáo trình TPQT của Trường Đại học Luật Hà Nội “nội dung thuyết miễn trừ theo chức năng hoàn toàn trái với các nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc tế cũng như của TPQT, không có lợi cho việc thúc đẩy giao lưu dân sự quốc tế”1. Tương tự, theo giáo trình của Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội “nội dung thuyết miễn trừ theo chức năng hoàn toàn trái với các nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc tế cũng như của TPQT”. “Pháp luật Việt Nam cũng như thực tiễn tư pháp Việt Nam luôn luôn bảo đảm tôn trọng quyền miễn trừ tư pháp tuyệt đối của nhà nước nước ngoài bằng con đường ngoại giao, trừ trường hợp nhà nước đó đồng ý tham gia tố tụng tại tòa án Việt Nam”2. Dường như về mặt lý luận, Việt Nam chỉ chấp nhận Thuyết quyền miễn tuyệt đối, công khai bác bỏ Thuyết quyền miễn trừ tương đối của quốc gia.

Thực tiễn đời sống pháp lý quốc tế cho thấy, nếu chấp nhận Thuyết quyền miễn trừ tuyệt đối của quốc gia sẽ có những trường hợp không bảo vệ được một cách hữu hiệu lợi ích của các pháp nhân và thể nhân của quốc gia đó khi tham gia vào quan hệ dân sự với một quốc gia khác và ngược lại, quốc gia chấp nhận Thuyết quyền miễn trừ tuyệt đối sẽ bất lợi khi tham gia vào mối quan hệ dân sự với quốc gia hay pháp nhân, thể nhân của quốc gia chấp nhận Thuyết quyền miễn trừ tương đối. Chính vì vậy, chấp nhận Thuyết quyền miễn trừ tương đối cả về lý luận lẫn quy định trong pháp luật thực định là xu thế không thể đảo ngược của TPQT. Thực tiễn đời sống pháp lý Việt Nam cũng cho thấy việc coi Thuyết miễn trừ tương đối là trái với các nguyên tắc cơ bản của Công pháp quốc tế hay của TPQT là thiếu thuyết phục. Tiến sĩ Đỗ Văn Đại đã dẫn ra một trường hợp cụ thể để chứng minh cho quan điểm này là vụ tàu Cần Giờ được rất nhiều người biết đến.

Năm 1999, một doanh nghiệp có tên là Mohamed Enterprises của Tanzania ký hợp đồng và thanh toán trước toàn bộ số tiền khoảng 1,4 triệu USD để mua 6.000 tấn gạo của Công ty Thanh Hòa ở Tiền Giang. Sau đó, Công ty Thanh Hòa đã thuê một tàu chở gạo để thực hiện hợp đồng trên. Nhưng con tàu mà Công ty Thanh Hòa thuê lại là một con tàu “ma”, trên đường chở gạo đã trốn bặt tăm. Không nhận được gạo, Công ty Mohamed Enterprises đã khởi kiện đối tác của Việt Nam… Sự việc cứ kéo dài không được xử lý dứt điểm. Bốn năm sau (2003), tàu Sài Gòn của Công ty SEA Saigon cập cảng Tanzania đã bị bắt giữ làm con tin nhằm tạo áp lực buộc phía Việt Nam thanh toán số nợ năm 1999. Ngày 22/7/2005, Tòa án Tanzania tuyên phạt phía Việt Nam gần 2 triệu USD bao gồm tiền bồi thường thiệt hại từ hợp đồng gạo với Công ty Mohamed Enterprises và tiền lãi phát sinh. Phán quyết ghi rõ, Chính phủ Việt Nam là bị đơn thứ 12 của vụ án. Theo tòa án, quyền miễn trừ tư pháp của nhà nước Việt Nam trong trường hợp này không tuyệt đối vì Chính phủ Việt Nam đã tham gia tích cực vào các giai đoạn của việc thực hiện hợp đồng. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam không được hưởng quyền miễn trừ xét xử3.

Vụ việc trên cho thấy, nếu nhà nước Việt Nam tham gia vào quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài với tư cách một bên chủ thể thì trong những trường hợp cụ thể nhất định sẽ không được hưởng quyền miễn trừ, nghĩa là nhà nước Việt Nam phải tham gia như một chủ thể bình thường khác. Như vậy, rõ ràng việc tuyệt đối hóa quyền miễn trừ tư pháp không có lợi cho nhà nước Việt Nam và đặc biệt là các cá nhân, pháp nhân Việt Nam trong các quan hệ TPQT. Đây sẽ là cơ sở để nhà nước nước ngoài không tuân thủ một số nghĩa vụ của họ bởi vì nhà nước nước ngoài được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối ở Việt Nam trong khi nhà nước Việt Nam không được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối ở nước ngoài.

Ví dụ: nhà nước nước ngoài thuê công dân Việt Nam hoặc thuê pháp nhân Việt Nam thực hiện một công việc sau đó vi phạm về nghĩa vụ trả lương hay đóng bảo hiểm thì rõ ràng công dân Việt Nam hay pháp nhân Việt Nam không thể được bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình vì nhà nước nước ngoài hưởng quyền miễn trừ trong mọi trường hợp.

Tại Việt Nam chưa có Luật về quyền miễn trừ quốc gia và trong các văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định chính thức nào quy định trực tiếp về vấn đề này. Tuy nhiên, một số quy định trong các văn bản pháp luật cụ thể có thể lý giải được vấn đề. Theo khoản 1 và 3 Điều 12 Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ thì viên chức ngoại giao không được hưởng quyền miễn trừ trong trường hợp họ “tham gia với tư cách cá nhân vào các vụ tranh chấp liên quan đến bất động sản tư nhân có trên lãnh thổ Việt Nam; việc thừa kế; hoạt động thương mại hoặc nghề nghiệp mà viên chức ngoại giao tiến hành tại Việt Nam ngoài phạm vi chức năng chính thức của họ”. Quy định này thể hiện rõ quan điểm đối với viên chức ngoại giao thì quyền miễn trừ của họ chỉ là tương đối, nghĩa là quyền miễn trừ không bị giới hạn ở bất cứ lĩnh vực quan hệ dân sự nào nhưng bị hạn chế, hay không được hưởng, trong một số trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, đối với nhà nước nước ngoài thì pháp lệnh lại không đề cập và Bộ luật Tố tụng dân sự cũng không có quy định nào về vấn đề này.

Những phân tích trên chứng minh một điều rằng, việc thừa nhận một cách cứng nhắc quyền miễn trừ tuyệt đối của nhà nước nước ngoài ở Việt Nam chỉ làm thiệt hại cho chúng ta vì chắc chắn trong quy định của pháp luật nhiều quốc gia chỉ dành cho nhà nước Việt Nam quyền miễn trừ tương đối tại quốc gia đó. Chính vì vậy, trong điều kiện giao lưu kinh tế thương mại hiện nay cũng như cùng với sự phát triển của TPQT hiện đại, Việt Nam nên chấp nhận thuyết quyền miễn trừ tương đối của quốc gia khi tham gia vào các quan hệ kinh tế, dân sự quốc tế để bảo vệ hiệu quả lợi ích của các công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam khi tham gia vào các quan hệ tài sản với quốc gia nước ngoài. Pháp luật Việt Nam cần có quy định về những trường hợp cụ thể nhà nước nước ngoài không được hưởng quyền miễn trừ tại Việt Nam khi tham gia vào các quan hệ dân sự quốc tế.

Vấn đề thứ ba là cần làm rõ nội dung của Thuyết quyền miễn trừ tương đối của quốc gia về mặt lý luận. Nhiều quan điểm hiện nay vẫn hiểu quyền miễn trừ tương đối theo hướng quốc gia bị hạn chế một số lĩnh vực quan hệ dân sự quốc tế không được hưởng quyền miễn trừ, còn trong những lĩnh vực mà quốc gia được hưởng quyền miễn trừ thì quốc gia sẽ được hưởng quyền miễn trừ trong bất cứ trường hợp nào mà quốc gia tham gia. Theo chúng tôi, quan điểm này là không chính xác. Sự tương đối ở đây cần phải được hiểu theo hướng những trường hợp cụ thể mà quốc gia không được hưởng quyền miễn trừ, còn phạm vi của quyền miễn trừ vẫn bao trùm tất cả các lĩnh vực quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài mà quốc gia tham gia. Sự khác nhau ở đây chính là phạm vi những trường hợp được hưởng quyền miễn trừ chứ không phải ở lĩnh vực quan hệ được hưởng quyền miễn trừ. Việc làm rõ nội dung của Thuyết miễn trừ là rất quan trọng bởi nếu hiểu không chính xác sẽ dẫn đến tình trạng không bảo vệ được lợi ích hợp pháp của quốc gia khi tham gia các quan hệ dân sự quốc tế, hoặc không tôn trọng lợi ích hợp pháp của quốc gia khác, vi phạm nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của quốc gia.

 

(1) Xem Giáo trình TPQT, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, 1999, tr.115.

(2) Xem Giáo trình TPQT, Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội, Nxb. ĐHQG Hà Nội, 1997, tr.119 và tr.217.

(3) Xem TS. Đỗ Văn Đại, TS. Mai Hồng Quỳ, Tư pháp Quốc tế Việt Nam, Nxb. ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr.69, tr.70.

Nguồn: nclp.org.vn

TRANH CHẤP NHÃN HIỆU GIỮA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Bình luận về bài viết này

TS. TRẦN VĂN HẢI – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

1. Dẫn nhập

Trong một phần của bài tham luận Quản lý tài sản trí tuệ trong các trường đại học có đào tạo về kinh tế và quản lýtại Hội thảo khoa học quốc gia Đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực về kinh tế – quản trị kinh doanh trong các trường đại học phục vụ phát triển kinh tế – xã hội[2] do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức tại Hà Nội vào ngày 25.01.2010, tác giả đã nêu sơ bộ về nhãn hiệu của các cơ sở giáo dục và đào tạo ở Việt Nam. Đồng thời, tác giả đã cảnh báo về khả năng xảy ra tranh chấp nhãn hiệu giữa các cơ sở giáo dục và đào tạo ở Việt Nam.

Ngày 07.08.2010 lời cảnh báo trên đã thành hiện thực, khi Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) đã có Đơn khiếu nại gửi Trường Đại học Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh), Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và đồng gửi các cơ quan báo chí về việc Trường Đại học Công nghệ Đông Á xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Đại học Đông Á” do Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) là chủ sở hữu.

Nhận thấy rằng đây là một vấn đề cần nghiên cứu để hạn chế, đi đến chấm dứt tình trạng tranh chấp về nhãn hiệu giữa các trường đại học và cũng góp phần để các trường đại học khẳng định tài sản trí tuệ của mình trong thời kỳ hội nhập quốc tế, tác giả đã tiến hành khảo sát tổng thể các nhãn hiệu của các trường đại học tại Việt Nam.

Để có tư liệu viết bài này, chúng tôi đã sử dụng các nguồn thông tin: 1. Công báo Sở hữu công nghiệp do Cục SHTT phát hành; 2. Một số văn bản hành chính do các cơ quan hành chính nhà nước ban hành; 3. Các tin tức thời sự đăng trên báo chí hoặc trên Internet. Cũng cần nhắc lại là các nguồn thông tin này thuộc đối tượng loại trừ không được bảo hộ quyền tác giả theo điều 15 Luật SHTT.

2. Khái quát về nhãn hiệu – đối tượng của quyền SHTT

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, đối tượng của quyền SHTT bao gồm: quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá, quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý, quyền đối với giống cây trồng.

Điều 4.16 Luật SHTT định nghĩa Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Điều 72.1 cũng lưu ý nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc. Nếu nhãn hiệu tồn tại ở dạng các chữ cái thì tập hợp các chữ cái này phải phát âm được, có thể có nghĩa hoặc không có nghĩa (trong trường hợp có nghĩa thì nghĩa của nó không đi ngược lại các quy phạm đạo đức). Bởi vậy, nhãn hiệu của một trường đại học có thể mang chính tên của trường đó và cũng có thể không cần phải mang tên trường đó.

Tên trường đại học và nhãn hiệu của trường đại học là các đối tượng khác nhau. Quyền đối với tên trường đại học tự động phát sinh kể từ thời điểm quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập trường đại học có hiệu lực pháp luật. Nhưng quyền đối với nhãn hiệu thì không tự động phát sinh, nó chỉ phát sinh với 2 điều kiện:

– Trường đại học có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu;

– Được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Mặt khác, theo nguyên tắc bảo hộ độc lập do Công ước Paris (Việt Nam là thành viên của Công ước này từ 08.3.1949) về bảo hộ sở hữu công nghiệp quy định, nếu quốc gia nào cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu thì chỉ có hiệu lực bảo hộ trên chính lãnh thổ quốc gia đó, có nghĩa là nhãn hiệu do Cục SHTT Việt Nam cấp văn bằng bảo hộ thì nó chỉ có hiệu lực bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam. Hay nói cách khác, nếu trường đại học định mở cơ sở của mình ở nước ngoài thì họ bắt buộc phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại chính quốc gia đó.

Điểm cần lưu ý nữa là việc đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài không phát sinh trên cơ sở tên trường đại học, mà theo quy định của Công ước Paris, Thỏa ước Madrid nó phải dựa trên cơ sở nhãn hiệu do quốc gia xuất xứ cấp hoặc theo quy định của Nghị định thư Madrid nó phải dựa trên cơ sở đơn yêu cầu quốc gia xuất xứ bảo hộ nhãn hiệu. Như vậy, các trường đại học chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi không sở hữu hợp pháp nhãn hiệu (mặc dù được sở hữu hợp pháp tên gọi trường đại học), điều trớ trêu là có khi phải mua hoặc thuê lại chính tên gọi của trường mình (khi đó đã là nhãn hiệu của trường đại học khác). Chúng tôi sẽ chứng minh nhận định này bằng các trường hợp thực tiễn ngay trong các mục dưới đây của bài viết.

3. Kết quả khảo sát về nhãn hiệu giáo dục và đào tạo

Theo khảo sát của tác giả qua dữ liệu tại Cục SHTT, cho đến ngày 31.12.2010 Cục SHTT đã cấp 1083 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho các cơ sở giáo dục và đào tạo trên phạm vi toàn quốc, bao gồm các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, cơ sở đào tạo nghề, cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học… (do số lượng khoảng vài ngàn đơn yêu cầu bảo hộ, nên chúng tôi chỉ thống kê số nhãn hiệu đã được bảo hộ).

Trong số đơn yêu cầu bảo hộ cho nhãn hiệu của các cơ sở giáo dục và đào tạo nói chung, có 93 đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu của các trường đại học, trong đó Cục SHTT chỉ cấp 34 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho các trường học, trong số này có 3 trường đại học hiện sở hữu 02 nhãn hiệu, như vậy chỉ có 31 trường đại học trên phạm vi toàn quốc đang sở hữu nhãn hiệu.

Các trường đại học sở hữu 2 nhãn hiệu là: Đại học Hà Nội (Đại học Ngoại ngữ cũ, có trụ sở tại quận Thanh Xuân, Hà Nội), Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Hồng Bàng (trong cơ sở dữ liệu tại Cục SHTT vẫn ghi Trường Đại học Hồng Bàng có trụ sở tại số  03 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, chứ không ghiTrường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, như vậy trường này đang sở hữu nhãn hiệu khác với tên gọi hiện hành của mình).

4. Đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu bị từ chối bảo hộ

Như trên đã nói, chỉ có 34/93 đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, như vậy số lượng đơn yêu cầu bảo hộ bị từ chối bảo hộ chiếm đến 63,4%, tỷ lệ từ chối bảo hộ là quá lớn. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao lại có đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu bị từ chối bảo hộ? Để giải đáp cho câu hỏi này, chúng tôi xin phân tích 2 trường hợp trong số các đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu bị từ chối bảo hộ.

Trường hợp 1:

Đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu Trường Đại Học Văn Hiến 1997 VAN HIEN UNIVERSITY, hình do Trường đại học Văn Hiến thành phố Hồ Chí Minh có trụ sở tại AA2, đường D2, khu Văn Thánh Bắc, phường 25, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh nộp ngày 31/03/2008 cho nhóm 41: Dịch vụ giáo dục, đào tạo. (Xin xem mẫu kèm theo).

clip_image002Ngày 04.8.2009 Cục SHTT ra công văn số 44180/SHTT-NH2 từ chối bảo hộ toàn bộ nhãn hiệu này với lý do:

– Phần chữ tương tự gây nhầm lẫn với Nhãn hiệu quốc gia số 78303, theo quy định tại điều 74.2.e. Luật SHTT: thì nhãn hiệu trên không có khả năng phân biệt vì không phải là nhãn hiệu liên kết mà trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. Tra cứu đăng bạ quốc gia số 78303, chúng tôi nhận thấy ngày 26.02.2005 Cục SHTT đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu VH VAN HIEN JSC, hình cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Dịch vụ tổng hợp Văn Hiến có trụ sở tại tầng 2 Khách sạn Tuổi trẻ số 2 Trần Thánh Tông, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho các nhóm dịch vụ số 35, 37, 41, 43 (lưu ý Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Dịch vụ tổng hợp Văn Hiến không phải là một trường nhưng cũng có chức năng đào tạo và được sở hữu nhãn hiệu nhóm 41, trùng với nhóm 41 mà Trường Đại học Văn Hiến thành phố Hồ Chí Minh đề nghị).

– Phần hình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của dịch vụ, theo điều 73.5 Luật SHTT: nhãn hiệu chứa“dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ”. Xin độc giả hãy quan sát phần hình của nhãn hiệu kèm theo, chúng ta thấy nó tương tự với hình của Văn miếu Quốc Tử Giám.

Trường hợp 2:

Đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu SGU Đại Học Sài Gòn SAIGON UNIVERSITY, hình do Trường Đại học Sài Gòn có trụ sở tại 273 An Dương Vương, phường 3, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh nộp ngày 06/06/2008 (có mẫu kèm theo) cho nhóm 16: Tạp chí (định kỳ), nhóm 41: Dịch vụ giáo dục giảng dạy; dạy học; dạy nghề; dạy ngoại ngữ; tư vấn du học; tổ chức các cuộc thi giáo dục hoặc giải trí, nhóm 43: Nghiên cứu khoa học; chuyển giao công nghệ.

clip_image004Ngày 24.3.2010 Cục SHTT đã ra công văn số 12144/SHTT-NH1 từ chối bảo hộ nhãn hiệu theo yêu cầu của Trường Đại Học Sài Gòn với lý do theo điều 74.2.e. Luật SHTT thì nhãn hiệu trên không có khả năng phân biệt vì không phải là nhãn hiệu liên kết mà trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Tài liệu đối chứng là đăng bạ quốc gia số 78862, chúng tôi đã tra cứu đăng bạ này và tìm ra nguyên nhân, trước đó vào ngày 26.3.2007 Cục SHTT đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu SAI GON TECHNOLOGY UNIVERSITY STU DAI HOC SAI GON cũng cho nhóm dịch vụ số 41 và 42 do Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn là chủ sở hữu.[3]

Đây là trường hợp khá hy hữu vì xảy ra giữa 2 trường đại học, tra cứu trong các tài liệu, chúng tôi nhận thấy:

– Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn (tiền thân là Trường Đại học Dân lập Kỹ nghệ Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập tháng 04.2004 theo Quyết định số 57/2004/QĐ-TTg), sau đó trường đổi tên thành Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn vào tháng 03.2005 theo Quyết định số 52/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

– Trường Đại học Sài Gòn được thành lập ngày 25.04.2007 theo Quyết định số 478/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu ĐẠI HỌC SÀI GÒN do Cục SHTT cấp có hiệu lực về thời gian trước Quyết định số 478/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Sài Gòn. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tạm thời không phân tích về xung đột pháp lý giữa văn bằng số 78863 do Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 25.01.2007 với Quyết định số 478/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 25.04.2007.

5. Tranh chấp nhãn hiệu giữa các trường đại học

Hiện tượng các trường đại học có tên tương tự nhau trên phạm vi toàn quốc là điều không thể tránh khỏi, chúng ta thử phân tích trường hợp:

– Trường Đại học Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh)

– Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng)

Hai trường đại học này có tên gọi tương tự nhau, trong đó các cụm từ: – Trường; – Đại học; – Công nghệ; – Đông Á; không có khả năng phân biệt, bởi vậy không được bảo hộ riêng rẽ với tư cách là nhãn hiệu, mà chỉ có thể được bảo hộ tổng thể (kèm hình).

Như trên đã phân tích, quyền đối với tên 2 trường đại học này được tự động phát sinh tại thời điểm quyết định cho phép thành lập trường đại học có hiệu lực pháp luật. Nhưng chỉ có Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) là đăng ký với Cục SHTT yêu cầu được bảo hộ nhãn hiệu và đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Đại học Đông Á”.

Ngày 07.08.2010 Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) đã có Đơn khiếu nại gửi Trường ĐH Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh), Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và đồng gửi các cơ quan báo chí về việc Trường ĐH Công nghệ Đông Á vi phạm sở hữu nhãn hiệu “Đại học Đông Á”. Vậy bản chất của việc này là thế nào? Theo những thông tin mà chúng tôi tra cứu thì:

– Trường Đại học Công Nghệ Đông Á (Bắc Ninh) được thành lập theo quyết định số 1777/QĐ-TTg ngày 09/12/2008 của Thủ tướng Chính Phủ. Trường Đại học Công nghệ Đông Á cơ sở chính đặt tại làng Đại học Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

– Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) khi còn là Trường Cao đẳng Đông Á đã nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu vào năm 2005, được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu ngày 8/12/2008.[4]

Như vậy, có hay không xung đột pháp lý giữa Quyết định số 1777/QĐ-TTg ngày09/12/2008 của Thủ tướng Chính Phủ với Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục SHTT cấp ngày 08/12/2008? Đây là vấn đề lớn, có lẽ không thể bàn trong bài viết này được. Chúng tôi xin đề cập một phần về việc này tại mục kết luận.

6. Dự báo tiếp xảy ra tranh chấp nhãn hiệu giữa các trường đại học

Khả năng xảy ra tranh chấp trong trường hợp nhãn hiệu Đại học Sài Gòn như đã phân tích trong mục 5 là hoàn toàn có thể, khi mà Trường Đại học Sài Gòn không được sở hữu nhãn hiệu Đại học Sài Gòn, mà quyền sở hữu nhãn hiệu này lại thuộc về một trường đại học khác.

Chúng tôi đưa ra một dự báo nữa có thể xảy ra tại Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) khi xét trường hợp sau đây.

Nhãn hiệu Đại học Ngoại ngữ, hình (xin tham khảo mẫu kèm theo) do Trường Đại học Hà Nội có trụ sở tại Km 9 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội nộp đơn yêu cầu bảo hộ ngày 10.01.2007 và được Cục SHTT công bố văn bằng bảo hộ ngày 25.07.2008.

clip_image006Trường Đại học Hà Nội (trước đây có tên gọi là Trường Đại học Ngoại ngữ) nộp đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu Đại học Ngoại ngữ khi Trường này đã được mang tên mới. Nhãn hiệu nêu kèm theo đã trùng với tên gọi Đại học Ngoại ngữ thuộc ĐHQGHN.

Chúng ta biết rằng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ được đổi tên thành Trường Đại học Ngoại ngữ khi trở thành đơn vị thành viên thuộc ĐHQGHN, thời điểm đổi tên chắc chắn là trước ngày 10.01.2007 (thời điểm Đại học Hà Nội nộp đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu Đại học Ngoại ngữ).

Hệ quả là để trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc ĐHQGHN chỉ còn cách mua lại nhãn hiệu mang chính tên trường mình từ Trường Đại học Hà Nội.

7. Kết luận

– Với số lượng chỉ có 31 so với tổng số trên 400 trường đại học đã đăng ký để được sở hữu hợp pháp 34 nhãn hiệu, có thể nói rằng việc quản lý nhãn hiệu của trường đại học chưa được coi trọng, nếu không muốn nói rằng đa số các trường đại học đã không thấy được tầm quan trọng của nhãn hiệu trong quá trình hội nhập quốc tế;

– Việc tranh chấp và khả năng xảy ra tranh chấp nhãn hiệu giữa các trường đại học là có thật, nguyên nhân thuộc về các trường đại học có một phần, phần khác thuộc về quy định pháp luật cho hoạt động của hệ thống quản lý và thực thi quyền SHTT, khi mà quyền quản lý tên thương mại và nhãn hiệu lại thuộc về các cơ quan khác nhau, sự phối hợp giữa các cơ quan này không đồng bộ. Chúng tôi sẽ đề cập đến việc này tại một nghiên cứu khác.,.

PHỤ LỤC

CÁC THÔNG TIN VỀ NHÃN HIỆU ĐẠI HỌC ĐÔNG Á

(Nguồn: Thư viện IPLib, Cục SHTT)

(210) SỐ ĐƠN 4-2005-12548
(220) NGÀY NỘP ĐƠN 26/09/2005
(300) NGÀY ƯU TIÊN 26/09/2005
(540) TÊN NHÃN HIỆU Đại học Đông Á, hình
clip_image008
LOẠI NHÃN HIỆU Thông thường
MÀU NHÃN HIỆU 0
(511) NHÓM SẢN PHẨM / DỊCH VỤ 41 Dịch vụ giáo dục, đào tạo.
(531) PHÂN LOẠI HÌNH 20.07.01 26.03.01 26.07.25
(851) NỘI DUNG KHÁC Nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể, không bảo hộ riêng “ĐAI HOC” và hình quyển sách.
(731) / (732) NGƯỜI NỘP ĐƠN / CHỦ SỞ HỮU Trường THCN tư thục Công Kỹ Nghệ Đông Á/Trường Cao đẳng Đông Á
ĐỊA CHỈ NGƯỜI NỘP ĐƠN
40 Hoàng Diệu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
ĐỊA CHỈ CHỦ SỞ HỮU
204B Lý Tự Trọng, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
CHỦ CŨ
Tên chủ sở hữu Điạ chỉ chủ sở hữu
Trường THCN tư thục Công Kỹ Nghệ Đông Á 40 Hoàng Diệu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
(111) SỐ BẰNG 4-0115620-000
NGÀY CẤP BẰNG 08/12/2008
NGÀY CÔNG BỐ BẰNG 26/01/2009   250
(141) NGÀY HẾT HẠN 26/09/2015
TÀI LIỆU TRUNG GIAN (08/12/2008) 151: Hoá đơn phí/ lệ phí cấp bằng, đăng bạ và công bố 
(23/07/2007) 251: Thông báo cấp văn bằng bảo hộ 
(06/02/2006) 221: QĐ chấp nhận đơn

[1] Bài đã đăng trên Tạp chí Hoạt động khoa học số 625 (6.2011)

[2] Có thể tham khảo toàn văn bài tham luận này tại website http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2010/02/03/4410-2/

[3] Lưu ý rằng vào ngày 25.01.2010 chúng tôi đã dự báo trước về khả năng Trường Đại học Sài Gòn sẽ không trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu Đại học Sài Gòn thì đến ngày 24.3.2010 dự báo này đã thành hiện thực. Xin tham khảo thêm: Trần Văn Hải,bài đã dẫn, website http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2010/02/03/4410-2/

[4] Có một số phương tiện thông tin đã nhầm lẫn (ví dụ: http://danluat.thuvienphapluat.vn/Forums/ShowPosts.aspx?ThreadID=32683&PageIndex=1) cho rằng Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sau khi Trường Đại học Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh) được thành lập. Chúng tôi đã tra cứu tài liệu gốc tại Cục SHTT và khẳng định tính chính xác của thông tin mà mình đưa ra tại bài viết này. Xin tham khảo Phụ lục kèm theo.

SOURCE: TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC SỐ 625 (THÁNG 6.2011)

Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế

Bình luận về bài viết này

http://vnexpress.net/gl/the-gioi/phan-tich/2011/05/trung-quoc-vi-pham-nghiem-trong-phap-luat-quoc-te/

Xét từ góc độ luật pháp quốc tế, vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 của PVN trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm luật quốc tế nghiêm trọng. Việc giải quyết tranh chấp bằng Tòa án quốc tế là một sự lựa chọn.
Mức độ gây hấn của Trung Quốc ‘tăng lên’
Trung Quốc gây căng thẳng tại Biển Đông

Trên đây là nhận xét của Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP HCM, trong cuộc trao đổi với VnExpress.

– Từ góc độ luật pháp quốc tế, ông đánh giá thế nào về vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Việt Nam ngày 26/5?

– Vụ tàu Trung Quốc cắt cáp của tàu Bình Minh 02 cho thấy hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế của Trung Quốc. Hành vi này của Trung Quốc đã làm phức tạp thêm tình hình tại biển Đông. Tại biển Đông, tồn tại nhiều tranh chấp khác nhau, nổi bật lên trong đó là tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Vụ Bình Minh 02 không liên quan đến vùng tranh chấp chủ quyền mà xảy ra trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

– Ông có thể giải thích rõ hơn về quyền chủ quyền của Việt Nam ở địa điểm xảy ra sự việc?

– Công ước Luật biển năm 1982 đã định ra khung pháp lý cho các quốc gia trong việc xác định các vùng biển và Quy chế pháp lý của chúng; xác định ranh giới, biên giới trên biển giữa các quốc gia. Theo Công ước thì mỗi quốc gia ven biển có 5 vùng biển, bao gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. (Đọc thêm về các khái niệm này).

Theo thông tin Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra thì tàu Bình Minh 02 bị các tàu hải giám của Trung Quốc bao vây, uy hiếp và cắt cáp thăm dò tại vùng biển cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý. Như vậy, đây là vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, và vùng đất nằm dưới vùng biển đó là thềm lục địa của Việt Nam, theo các quy định của Công ước.

Trong vùng đặc quyền kinh tế thì quốc gia ven biển có quyền chủ quyền về kinh tế và quyền tài phán. Quyền chủ quyền về kinh tế bao gồm các quyền đối với khai thác tài nguyên sinh vật (Điều 62), tài nguyên không sinh vật của cột nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Hoạt động khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế đem lại lợi ích cho quốc gia ven biển như khai thác năng lượng nước, hải lưu, gió… Mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế phải có sự xin phép và đồng ý của quốc gia ven biển.

Các vùng nước liên quan đến một quốc gia ven biển. Đồ họa: wikipedia.
Các vùng nước liên quan đến một quốc gia ven biển. Đồ họa: wikipedia.

Quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển bao gồm quyền lắp đặt, sửa chữa các đảo nhân tạo, công trình, thiết bị trên biển; quyền nghiên cứu khoa học biển; quyền bảo vệ môi trường.

Công ước quy định quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản không sinh vật (chủ yếu dầu khí, kim loại, cát sỏi…) và tài nguyên sinh vật thuộc loài định cư; quốc gia ven biển có quyền chủ quyền trong việc khoan, đào, nổ… trên thềm lục địa.

Đối với các quốc gia khác trên thềm lục địa có các quyền về tự do hàng hải; tự do bay; tự do đặt dây cáp, ống dẫn ngầm song phải có sự thông báo trước với quốc gia ven biển.

Như vậy, theo quy định của Công ước, Việt Nam hoàn toàn có quyền đối với việc thăm dò, khai thác các tài nguyên trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế cũng như thăm dò khai thác dầu khí tại thềm lục địa của mình. Việc tàu Bình Minh 02 thăm dò dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình là việc làm hết sức bình thường, theo đúng các quy định của Công ước.

– Vậy chiếu theo Công ước, các sai phạm của Trung Quốc là gì?

– Là thành viên của Công ước, có nghĩa là Trung Quốc cũng phải có nghĩa vụ tôn trọng các quyền của quốc gia ven biển như Việt Nam tại các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ, nhưng Trung Quốc đã phớt lờ các quy định đó, có hành vi uy hiếp đe dọa đối với tàu Bình Minh 02.

Thêm nữa, theo điều 279 Công ước, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp về giải thích và áp dụng Công ước trên cơ sở trước hết là Hiến chương Liên hợp quốc. Về vấn đề này, Hiến chương Liên hợp quốc yêu cầu các quốc gia phải giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả tranh chấp về biển, bằng biện pháp hoà bình. Như vậy, Trung Quốc đã trực tiếp vi phạm điều 279 của Công ước.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng vi phạm các quy định của Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trong biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã cùng ASEAN ký kết năm 2002. Theo đó, DOC quy định các bên phải tự kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, không được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp.

Vị trí các tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam và cắt cáp của tàu Bình Minh 02. Ảnh: TTXVN.

– Theo ông, chiến lược mà chúng ta nên theo đuổi trong việc giải quyết vụ việc này?

– Để chấm dứt các hành động tương tự Việt Nam cần phải quyết liệt phản đối, đồng thời kêu gọi dư luận thế giới phản đối hành vi của Trung Quốc vi phạm luật quốc tế và đi ngược lại những gì Trung Quốc đã cam kết thực hiện trong DOC.

Việc giải quyết các tranh chấp kiểu như vậy, theo các biện pháp mà Hiến chương đã liệt kê tại điều 33, thì với hành vi vi phạm đó của Trung Quốc, Việt Nam có thể nhờ sự giải quyết của các Tòa án quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Cụ thể, vì Trung Quốc đã trực tiếp vi phạm UNCLOS nên Việt Nam có thể nhờ Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) phân xử vì Tòa án này có thẩm quyền rất lớn trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng các quy định của UNCLOS, hoặc một Tòa án trọng tài nào đó để giải quyết.

– Trên thế giới đã có vụ việc nào tương tự tòa án quốc tế từng giải quyết?

– Các Tòa án quốc tế đều đã giải quyết nhiều vụ án liên quan. Có thể kể đến như Tòa án công lý quốc tế (ICJ) đã giải quyết rất nhiều tranh chấp lãnh thổ, như vụ đền Preah Vihear giữa Camphuchia và Thái Lan năm 1962. Năm 2008 Tòa này có ra phán quyết cho việc tranh chấp chủ quyền trên đảo Pedra Branca giữa Malaysia và Singapore.

Tòa án quốc tế về Luật biển cũng đã phân xử nhiều vụ án tranh chấp liên quan đến luật biển, gần đây Tòa này cũng đang nhận đơn nhờ phân định biên giới biển giữa Myanmar và Bangladesh trên vịnh Bengal…

Còn các Tòa trọng tài cũng đã xét xử rất nhiều vụ. Tuy nhiên, cũng chưa có vụ án nào hoàn toàn giống như sự kiện Bình Minh 02 vừa rồi.

– Trong Đối thoại an ninh châu Á Shangri-la sắp tới (3-5/6) có phần thảo luận về an ninh trên biển. Ông dự đoán như thế nào về vụ việc 26/5 được đưa ra mổ xẻ dưới góc độ an ninh hàng hải quốc tế?

 Việc đưa ra sự kiện này ra Đối thoại, theo tôi là hết sức cần thiết để thông qua đối thoại, các bên có tiếng nói chung hơn, từ đó có thể giảm thiểu được những căng thẳng trong khu vực, tránh các xung đột quân sự.

Đối thoại an ninh châu Á lần này chắc chắn thu hút sự chú ý của cả thế giới, bởi có sự hiện diện của cả Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates.

Tuy nhiên, việc có đưa được sự kiện này ra Đối thoại lại đòi hỏi rất nhiều điều kiện. Các cường quốc chính trị sẽ có thể dùng nhiều biện pháp để ngăn cản việc đưa vụ việc này nếu cảm thấy bất lợi cho họ. Vì thế để đưa ra vấn đề nhằm làm giảm các tranh chấp tương tự, các bên cần phải nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc.

Thanh Mai

Theo dòng sự kiện:
Việc Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền Việt Nam (30/05)
Nhật ký tàu Bình Minh bị hải giám Trung Quốc tấn công (30/05)
‘Mức độ gây hấn của Trung Quốc tăng lên’ (30/05)
Trung Quốc cố tình gây căng thẳng tại Biển Đông (29/05)
‘Hành động của Trung Quốc gây lo ngại an ninh cả khu vực’ (29/05)
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại (28/05)
Xem tiếp

Nhận thức chung về tư pháp quốc tế

Bình luận về bài viết này

1. Khái niệm về Tư pháp quốc tế.
1.1. Đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế.
1.1.1. Định nghĩa:

Đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế là những quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài.
– Quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) là thuật ngữ pháp lý chỉ về những quan hệ xảy ra trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, thương mại và tố tụng dân sự. Những quan hệ này liên quan đến lợi ích tài sản và lợi ích nhân thân, chủ yếu phát sinh giữa cá nhân, tổ chức, pháp nhân với nhau.
+ Đây là khái niệm bao quát các lĩnh vực quan hệ do Tư pháp quốc tế điều chỉnh. Thuật ngữ này được lý giải bởi kỹ thuật lập pháp của các nước có sự khác nhau.
+ Khái niệm quan hệ dân sự ở các nước được hiểu dưới những khía cạnh khác nhau. Ở Việt Nam, quan hệ dân sự được hiểu là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản phát sinh giữa các cá nhân, tổ chức khác nhau, các quan hệ này chủ yếu nhằm thoả mãn nhu cầu sinh hoạt của các chủ thể tham gia, được các quy phạm Luật dân sự điều chỉnh . Ở CH Pháp, quan hệ dân sự còn được hiểu bao gồm cả quan hệ hôn nhân và gia đình; ở Ca na đa, khái niệm này được hiểu bao gồm cả quan hệ tố tụng dân sự; ở Thái lan, quan hệ dân sự còn được hiểu bao gồm quan hệ thương mại, quan hệ hôn nhân và gia đình…
Yếu tố nước ngoài:
+ Có ít nhất chủ thể tham gia quan hệ này là nước ngoài. Chủ thể nước ngoài có thể là người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài, nhà nước nước ngoài (ví dụ một quan hệ hôn nhân giữa công dân Việt Nam với công dân Pháp, chủ thể nước ngoài là công dân Pháp).
+ Khách thể của quan hệ này liên quan đến tài sản, công việc ở nước ngoài (ví dụ: một quan hệ thừa kế tài sản giữa công dân Việt Nam với công dân Mỹ, tài sản thừa kế đang tồn tại trên lãnh thổ Mỹ; việc gửi giữ tài sản giữa một công dân Việt Nam tại một đại lý ở nước ngoài thì trách nhiệm bảo quản tài sản là khách thể của quan hệ đó…).
+ Sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quan hệ này xảy ra ở nước ngoài (ví dụ: pháp nhân Việt Nam ký hợp đồng mua bán hàng hoá với pháp nhân Nhật bản tại Tokyo, việc ký kết hợp đồng là một sự kiện pháp lý).
1.1.2. So sánh lý luận đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế với quy định của luật thực định.
Tại điều 826 Bộ luật Dân sự Việt Nam (BLDS) 1995 quy định: “ Trong Bộ luật này quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được hiểu là các quan hệ dân sự có người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tham gia hoặc căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó phát sinh ở nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”.
Dựa vào lý luận và thực tiễn Tư pháp quốc tế cho thấy, điều luật trên quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài có những điểm khác sau đây:
+ Về chủ thể: điều luật chỉ quy định chủ thể của quan hệ dân sự này là người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài. Trong thực tiễn, chủ thể này còn có thể là Nhà nước nước ngoài (chẳng hạn trong quan hệ thừa kế tài sản giữa công dân Việt Nam và nhà nước nước ngoài).
+ Về khách thể: điều luật chỉ quy định khách thể của quan hệ này là tài sản tồn tại ở nước ngoài. Trong thực tiễn, khách thể của quan hệ này còn có thể là công việc phải làm hoặc không được làm ở nước ngoài (chẳng hạn quan hệ về gửi giữ tài sản giữa công dân Việt Nam và đại lý nước ngoài trong ví dụ đã nêu).
Vì vậy, trong công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, sự cần thiết đặt ra là phải quy định chặt chẽ, chính xác về các khái niệm pháp lý, trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật đối với các quan hệ xã hội.
1.1.3. Phân biệt đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế với đối tượng đièu chỉnh của các ngành luật, hệ thống pháp luật có liên quan:
Đối tượng điều chỉnh của pháp luật nói chung và của các ngành luật nói riêng đều là các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh. Tuy nhiên không phải quan hệ xã hội nào cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế, của Luật dân sự và của Công pháp quốc tế.
– Sự khác nhau giữa đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế và Luật dân sự:
+ Khác nhau về phạm vi các quan hệ xã hội do hai ngành luật này điều chỉnh: Tư pháp quốc tế không những điều chỉnh các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản thuộc lĩnh vực dân sự (như quan hệ mua bán, thuê mướn, gửi giữ hàng hoá, bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân, tổ chức…) mà còn điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế và tố tụng dân sự.
+ Các quan hệ dân sự do Tư pháp quốc tế điều chỉnh là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản có yếu tố nước ngoài.
– Sự khác nhau giữa đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế và đối tượng điều chỉnh của Công pháp quốc tế được biểu hiện ở tính chất các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của chúng. Tư pháp quốc tế chỉ điều chỉnh các quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài; Công pháp quốc tế chỉ điều chỉnh các quan hệ chính trị và các quan hệ có liên quan đến chính trị được phát sinh giữa các quốc gia và các chủ thể khác của Công pháp quốc tế.
Từ những phân tích trên đây, có thể khẳng định đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế mang tính độc lập, riêng biệt so với đối tượng điều chỉnh của các ngành luật khác. Đây là một tiêu chí (cùng với phương pháp điều chỉnh riêng biệt) để có thể khẳng định Tư pháp quốc tế là một hệ thống pháp luật độc lập.
1.2. Phương pháp điều chỉnh của Tư pháp quốc tế.
1.2.1. Định nghĩa: Phương pháp điều chỉnh của Tư pháp quốc tế là tổng hợp các biện pháp, cách thức mà Nhà nước sử dụng để tác động lên các quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài (gọi là quan hệ Tư pháp quốc tế) làm cho các quan hệ này phát triển theo hướng có lợi cho giai cấp thống trị.
Các biện pháp cách thức mà Nhà nước sử dụng để tác động lên các quan hệ Tư pháp quốc tế được biểu hiện ở hai phương pháp cụ thể là (gọi là phương pháp điều chỉnh trực tiếp và phương pháp điều chỉnh gián tiếp).
1.2.2. Phương pháp điều chỉnh trực tiếp (còn gọi là phương pháp thực chất): là phương pháp sử dụng các quy phạm pháp luật thực chất để tác động trực tiếp lên quan hệ Tư pháp quốc tế.
Sự tác động của nhà nước lên quan hệ Tư pháp quốc tế được thực hiện thông qua quy phạm thực chất. Quy phạm thực chất là quy phạm quy định sẵn các quyền, nghĩa vụ, biện pháp chế tài đối với các chủ thể tham gia quan hệ Tư pháp quốc tế. Khi quan hệ Tư pháp quốc tế xảy ra, nếu có sẵn quy phạm thực chất để áp dụng thì các bên chủ thể cũng như cơ quan có thẩm quyền (toà án, trọng tài…) căn cứ ngay vào đó để xác định vấn đề họ đang quan tâm (chẳng hạn: việc xác định các quyền và nghĩa vụ của chủ thể quan hệ, trách nhiệm pháp lý…).
Trong thực tiễn, việc điều chỉnh các quan hệ Tư pháp quốc tế được áp dụng bởi các quy phạm thực chất thống nhất (là quy phạm thực chất được xây dựng bằng cách các quốc gia ký kết, tham gia các Điều ước quốc tế hoặc chấp nhận và sử dụng các Tập quán quốc tế). Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực nhất định, như xác định địa vị pháp lý của người nước ngoài, điều chỉnh quan hệ về sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài, các quốc gia cũng ban hành trong hệ thống pháp luật nước mình những quy phạm pháp luật thực chất, trực tiếp điều chỉnh những quan hệ phát sinh trong các lĩnh vực này.
– Tính ưu việt của việc áp dụng phương pháp điều chỉnh này: làm cho mối quan hệ Tư pháp quốc tế được điều chỉnh nhanh chóng, các vấn đề cần quan tâm được xác định ngay, các chủ thể của quan hệ đó và các cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp sẽ tiết kiệm được thời gian, tránh được việc phải tìm hiểu pháp luật nước ngoài là vấn đề rất phức tạp.
– Mặt hạn chế của phương pháp này: do quy phạm thực chất thống nhất có số lượng không nhiều (vì mỗi nước có những lợi ích khác nhau nên khó cùng nhau thoả thuận ký kết hoặc tham gia các Điều ước quốc tế, hoặc cùng sử dụng các Tập quán quốc tế; một số lĩnh vực hiện nay hầu như rất ít quy phạm thực chất thống nhất, như lĩnh vực thừa kế, hôn nhân và gia đình…), không đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh hết quan hệ Tư pháp quốc tế diễn ra rất đa dạng, phức tạp. Bởi vậy, khi không có quy phạm thực chất thống nhất thì phải có phương pháp khác để điều chỉnh quan hệ Tư pháp quốc tế.
1.2.2. Phương pháp điều chỉnh gián tiếp (còn gọi là phương pháp xung đột): là phương pháp sử dụng quy phạm xung đột nhằm xác định hệ thống pháp luật nào sẽ được áp dụng trong việc điều chỉnh quan hệ Tư pháp quốc tế cụ thể đang xem xét.
– Quy phạm xung đột là quy phạm pháp luật không quy định sẵn quyền, nghĩa vụ, các biện pháp chế tài đối với các chủ thể tham gia quan hệ Tư pháp quốc tế mà nó chỉ có vai trò xác định hệ thống pháp luật nào sẽ được áp dụng. Quy phạm xung đột được xây dựng bằng cách các quốc gia tự ban hành trong hệ thống pháp luật của nước mình (gọi là quy phạm xung đột nội địa), ngoài ra nó còn được xây dựng bằng cách các quốc gia thoả thuận ký kết các Điều ước quốc tế (gọi là quy phạm xung đột thống nhất).
– Tính chất phức tạp của phương pháp điều chỉnh này thể hiện: do phải thông qua khâu trung gian “chọn luật” áp dụng nên việc điều chỉnh quan hệ Tư pháp quốc tế mất nhiều thời gian. Nhiều trường hợp quy phạm xung đột dẫn chiếu đến pháp luật nước ngoài, việc tìm hiểu nội dung pháp luật nước ngoài là rất khó khăn đối với các bên đương sự và cơ quan có thẩm quyền vì do các nước có các điều kiện kinh tế, chính trị – xã hội khác nhau nên việc xây dựng pháp luật cũng có những điểm khác nhau như đã trình bày.
– Tuy nhiên, do việc xây dựng quy phạm thực chất thống nhất rất phức tạp, số lượng các quy phạm này không đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh các quan hệ Tư pháp quốc tế, trong khi đó số lượng các quy phạm xung đột lại nhiều hơn và tham gia điều chỉnh hầu hết các quan hệ Tư pháp quốc tế; bởi vậy phương pháp điều chỉnh trực tiếp là phương pháp chủ yếu hiện nay.
1.2.3. Phương pháp điều chỉnh gián tiếp là đặc trưng và cơ bản của Tư pháp quốc tế vì những lý do sau đây:
– Đây là phương pháp điều chỉnh chỉ được áp dụng trong ngành luật Tư pháp quốc tế mà không được áp dụng trong các ngành luật và hệ thống pháp luật khác.
– Qua việc nghiên cứu các ngành luật khác cho thấy, không ngành luật nào áp dụng phương pháp điều chỉnh này. Việc điều chỉnh các quan hệ xã hội của các ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam và ngay cả Luật quốc tế thực hiện bằng cách sử dụng quy phạm pháp luật trong các văn bản pháp luật là nguồn của chúng, mà không cần phải thông qua khâu trung gian là “chọn luật”.
– Trong thực tiễn Tư pháp quốc tế, do các quy phạm thực chất thống nhất có số lượng ít, không đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh các quan hệ Tư pháp quốc tế phát sinh ngày càng đa dạng; trong khi đó quy phạm xung đột được xây dựng một cách đơn giản hơn, nhanh hơn nên có số lượng nhiều hơn. Do đó quy phạm xung đột đã điều chỉnh hầu hết các quan hệ Tư pháp quốc tế. Vì vậy phương pháp điều chỉnh gián tiếp được coi là phương pháp cơ bản trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, trong những giai đoạn tiếp theo, để tránh sự phức tạp, các quốc gia trên thế giới sẽ cố gắng ký kết ngày càng nhiều Điều ước quốc tế để từ đó xây dựng nên càng nhiều quy phạm thực chất thống nhất, hoặc ít nhất là xây dựng nên các quy phạm xung đột thống nhất. Đây chính là xu hướng phát triển tất yếu của Tư pháp quốc tế trong tương lai.
1.3. Định nghĩa về Tư pháp quốc tế.
Từ những điểm trình bày trên đây về đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của Tư pháp quốc tế, cho thấy vai trò của Tư pháp quốc tế rất quan trọng trong quá trình giao lưu quốc tế hiện nay. Một mặt nó củng cố và thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các thực thể khác trong đời sống sinh hoạt quốc tế trên cơ sở phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế; mặt khác Tư pháp quốc tế cũng xác định và bảo vệ lợi ích của các cá nhân, tổ chức và các chủ thể khác tham gia vào các mối quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài. Sự kết hợp hai yếu tố trên đây chúng tỏ sự cần thiết của việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện Tư pháp quốc tế trong các giai đoạn tiếp theo và cũng khẳng định Tư pháp quốc tế có vị trí tương đối độc lập.
Cũng từ việc phân tích đối tượng và phương pháp điều chỉnh của Tư pháp quốc tế, có thể rút ra định nghĩa chung về Tư pháp quốc tế như sau:
” Tư pháp quốc tế là hệ thống những nguyên tắc và quy phạm pháp luật được xây dựng bằng những cách thức khác nhau nhằm điều chỉnh quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài, góp phần thúc đẩy đời sống sinh hoạt quốc tế và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các chủ thể tham gia quan hệ Tư pháp quốc tế”.